Saturday, November 16, 2013

Chương trình giáo dục phổ thông môn Địa lí


CHƯƠNG TRÌNH MÔN ĐỊA LÝ
I. Vị trí
Môn Địa lí trong nhà trường phổ thông giúp học sinh có được những hiểu biết cơ bản, hệ thống về Trái Đất – môi trường sống của con người, về thiên nhiên và những hoạt động kinh tế của con người trên phạm vi quốc gia, khu vực và thế giới ; rèn luyện cho học sinh những kĩ năng hành động, ứng xử thích hợp với môi trường tự nhiên, xã hội. Đó là một phần của học vấn phổ thông cần thiết cho mỗi người lao động trong xã hội hiện đại, trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trên nền tảng những kiến thức và kĩ năng trang bị cho học sinh, môn Địa lí góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông.
II. Mục tiêu
1. Kiến thức
Cung cấp cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cần thiết về :
- Trái Đất, các thành phần cấu tạo của Trái Đất, các hiện tượng, sự vật địa lí và tác động qua lại giữa chúng ; một số quy luật phát triển của môi trường tự nhiên trên Trái Đất ; dân cư và các hoạt động của con người trên Trái Đất ; mối quan hệ giữa dân cư, hoạt động sản xuất và môi trường ; sự cần thiết phải khai thác hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
- Đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội của một số khu vực khác nhau và của một số quốc gia trên thế giới ; một số đặc điểm của thế giới đương đại.
- Đặc điểm tự nhiên, dân cư và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ; những vấn đề đặt ra đối với cả nước nói chung và các vùng, các địa phương nơi học sinh đang sinh sống nói riêng.
2. Kĩ năng
Hình thành và phát triển ở học sinh :
- Kĩ năng học tập và nghiên cứu địa lí : quan sát, nhận xét, phân tích, so sánh, đánh giá các sự vật, hiện tượng địa lí ; phân tích, sử dụng bản đồ, Atlat ; vẽ và phân tích biểu đồ, đồ thị, lát cắt ; phân tích số liệu thống kê...
- Kĩ năng thu thập, xử lí và thông báo thông tin địa lí.
- Kĩ năng vận dụng tri thức địa lí để giải thích các hiện tượng, sự vật địa lí và bước đầu tham gia giải quyết những vấn đề của cuộc sống phù hợp với khả năng của học sinh.
3. Thái độ, tình cảm
Góp phần bồi dưỡng cho học sinh :
- Tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước thông qua việc ứng xử thích hợp với tự nhiên và tôn trọng các thành quả kinh tế - văn hoá của nhân dân Việt Nam cũng như của nhân loại.
 - Niềm tin vào khoa học, ham học hỏi, hứng thú, say mê tìm hiểu các sự vật, hiện tượng địa lí.
- Có ý chí tự cường dân tộc, niềm tin vào tương lai của đất nước, có tâm thế sẵn sàng tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ; có ý thức trách nhiệm và tham gia tích cực vào các hoạt động sử dụng hợp lí, bảo vệ, cải tạo môi trường ; nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình, cộng đồng.
III. Quan điểm xây dựng và phát triển chương trình
1. Hướng vào việc hình thành các năng lực cần thiết cho người học
Mục tiêu của giáo dục Địa lí không chỉ nhằm cung cấp cho học sinh các tri thức của khoa học Địa lí một cách có hệ thống, mà còn phải hướng tới việc phát triển những năng lực cần thiết của người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đó là các năng lực hoạt động, tham gia, hoà nhập với cộng đồng và biết vận dụng kiến thức, kĩ năng của môn Địa lí để giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống phù hợp với khả năng của học sinh.
2. Tiếp cận với những thành tựu của khoa học Địa lí, đồng thời đảm bảo tính vừa sức với học sinh
Ngày nay, Địa lí học đã chuyển từ việc mô tả các hiện tượng, sự vật địa lí sang tìm hiểu nguyên nhân, bản chất của chúng và quan tâm hơn tới các giá trị nhân văn, cách ứng xử của con người trước một thế giới đang thay đổi nhanh chóng cả về phương diện tự nhiên lẫn kinh tế - xã hội.
Chương trình môn Địa lí trong trường phổ thông một mặt phải tiếp cận được với những thành tựu mới nhất của khoa học Địa lí và mặt khác, cần có sự chọn lọc sao cho phù hợp với trình độ nhận thức và tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh.
3. Tăng tính hành dụng, tính thực tiễn
Chương trình môn Địa lí cần tăng cường tính hành dụng, tính thực tiễn qua việc tăng thời lượng và nội dung thực hành, gắn nội dung môn học với thực tiễn nhằm rèn luyện cho học sinh kĩ năng vận dụng tri thức địa lí vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, góp phần đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống.
4. Quan tâm tới những vấn đề về địa lí địa phương
Chương trình môn Địa lí cũng cần quan tâm tới các vấn đề về địa lí địa phương nhằm giúp học sinh có những hiểu biết nhất định về nơi các em đang sinh sống, từ đó chuẩn bị cho học sinh tâm thế sẵn sàng tham gia vào hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.
5. Chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục môn học
Việc đổi mới phương pháp giáo dục môn học nhằm góp phần phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo của học sinh trong học tập Địa lí ; bồi dưỡng phương pháp học tập môn Địa lí để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu, mở rộng vốn văn hoá cần thiết cho bản thân ; rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức địa lí vào thực tiễn.

No comments:

Post a Comment

Tài liệu hướng dẫn Giáo dục về tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển đảo cho HS THCS

Mỗi học sinh Việt Nam đều cần có hiểu biết về đất nước, tổ quốc mình về đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Trong chương trình các ...